Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội
khóa XV; chiều ngày 13/02/2025, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự
án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận tại hội trường
Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe trình bày Tờ
trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về: Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây
dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc
hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống
mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Xem
videoclip về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải
Phòng.
Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, |
đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận |
Tham gia ý kiến vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
(sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công
nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá việc dự thảo Luật quy định về việc Quốc
hội xem xét, thông qua dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết trong một kỳ họp thay
vì 2 kỳ họp như trước đây, trừ một số trường hợp đặc biệt là một sự thay đổi rất
lớn và bứt phá, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật phù hợp với yêu cầu của
thực tiễn cũng như yêu cầu cải cách luật pháp và hành chính. Có thể nói quy
trình rút gọn thông qua một kỳ họp sẽ tạo ra những tiến bộ lớn với 3 ưu điểm:
Thứ nhất, tạo ra sự linh hoạt và kịp thời trong điều chỉnh
chính sách, phù hợp với những dự án luật mang tính cấp bách cần phải phản ứng
nhanh với thực tiễn và giảm nguy cơ chậm ban hành văn bản luật ảnh hưởng đến
công tác quản lý và điều hành nói chung của đất nước.
Thứ hai, giảm áp lực hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý
nhà nước. Với quy trình này, chúng ta sẽ cắt giảm một bước trình Quốc hội, giúp
giảm tải công việc cho các cơ quan lập pháp và tạo điều kiện cho Quốc hội tập
trung vào những nội dung quan trọng nhất của dự án luật.
Thứ ba, tiết kiệm chi phí và nhân lực, giảm bớt các quy định,
giảm bớt các cuộc họp, các hội nghị, các thủ tục rà soát lặp đi lặp lại, giúp
tiết kiệm thời gian, ngân sách và nhân sự cho Quốc hội, cho Chính phủ và các cơ
quan liên quan.
Tuy nhiên, theo đại biểu, khi luật được thông qua trong một
kỳ cũng đặt ra những thách thức và cần phải có những giải pháp để giải quyết những
thách thức này. Thứ nhất, chất lượng lập pháp có nguy cơ giảm do rút ngắn thời
gian. Do vậy cần phải xây dựng quy trình thẩm định nghiêm ngặt trước khi trình
Quốc hội; đồng thời tăng cường vai trò các Ủy ban của Quốc hội nói chung và Ủy
ban Tư pháp cũng như Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói riêng trong công tác thẩm
tra nội dung dự thảo.
Thách thức thứ hai, theo đại biểu là thiếu thời gian phản biện
và lấy ý kiến của xã hội. Để giải quyết thách thức này cần bổ sung quy trình
tham vấn từ sớm, ngay khi xây dựng các chính sách; yêu cầu bắt buộc tổ chức hội
thảo lấy ý kiến rộng rãi, ít nhất là trong vòng 60 ngày.
Thách thức thứ ba là áp lực lớn lên các cơ quan lập pháp. Đại
biểu Trần Văn Khải đề xuất cần tăng cường năng lực tài chính, nhân sự, nâng cao
chất lượng nhân sự cho các cơ quan thẩm định và thẩm tra luật; có cơ chế hỗ trợ
kỹ thuật như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dữ liệu của pháp luật để hỗ trợ
cho việc này.
Thách thức cuối cùng là nguy cơ không đảm bảo tính thống nhất,
đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Do đó cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu liên kết
giữa các bộ luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo; đồng thời Bộ Tư pháp cần phát
huy vai trò rất quan trọng của mình, phải chịu trách nhiệm về việc rà soát dự
thảo thật kỹ trước khi trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cần bổ sung
trong dự thảo Luật quy định rõ tiêu chí nào thì được áp dụng quy định trình một
kỳ họp; ví dụ luật sửa đổi, bổ sung nhỏ, không thay đổi chính sách lớn hay luật
mang tính cấp bách, có tính thời sự cao hay thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm
quyền hoặc luật thực hiện cam kết quốc tế có thời hạn cụ thể, chúng ta phải
hoàn thành ngay. Quy định về tăng cường trách nhiệm các cơ quan soạn thảo, cơ
quan thẩm định, trong đó Bộ Tư pháp phải chịu trách nhiệm chính trong việc rà
soát, đánh giá tác động trước khi trình Quốc hội. Tăng cường ứng dụng khoa học,
công nghệ trong công tác lập pháp, sử dụng dữ liệu lớn để phân tích, đối chiếu
các dự án luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Cuối cùng,
theo đại biểu cần tăng cường giám sát sau khi ban hành; có cơ chế điều chỉnh kịp
thời nếu phát hiện ra sai sót trong quá trình thực thi.
Theo chương trình kỳ họp, sáng ngày 14/02/2024; Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội
quy định về xử lý một số vấn đề liên
quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.