Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9,
Quốc hội khóa XV; sáng ngày 13/02/2025; Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự
án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương
(sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên
quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận tại tổ
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thảo luận tại Tổ 18 gồm
các tỉnh: Trà Vinh, Thanh Hóa, Hà Nam. Đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà
Vinh chủ trì phiên thảo luận.
Phát biểu tham gia ý kiến đối với dự án Luật Tổ chức chính
phủ (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học,
Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đánh giá
cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo đã tập trung xây dựng dự thảo luật đảm bảo chất
lượng, đúng định hướng thể chế hóa chủ trương của Đảng trong cuộc cách mạng về
tinh gọn bộ máy.
Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, |
đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ |
Đối với các quy định về phân quyền và phân cấp, theo đại biểu
quy định như dự thảo có thể dẫn đến chồng chéo hoặc cát cứ quyền lực do thiếu
cơ chế giám sát, kiểm soát. Do vậy đại biểu đề nghị cần bổ sung cơ chế giám sát
rõ ràng để tránh tình trạng địa phương tự quyết định nhưng không đảm bảo tính đồng
bộ với chính sách quốc gia; quy định trách nhiệm giải trình của chính quyền địa
phương khi thực hiện quyền được phân quyền, phân cấp và cơ chế phối hợp giữa
các địa phương; có thể thành lập Hội đồng giám sát phân quyền ở cấp Trung ương
để theo dõi việc triển khai, kịp thời xử lý vi phạm và điều chỉnh những bất cập.
Đối với quy định về số lượng Thứ trưởng không quá 5, trừ một
số Bộ đặc thù. Tuy nhiên, một số Bộ có khối lượng công việc lớn như Bộ Tài
chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương… có thể không đủ nhân sự lãnh đạo, dẫn đến
quá tải cho Bộ trưởng khi phải trực tiếp xử lý nhiều công việc mà lẽ ra có thể
giao cho cấp dưới. Do đó đại biểu đề xuất quy định số lượng Thứ trưởng có thể
dao động tùy theo chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc của từng Bộ; đồng
thời xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ công việc của từng Bộ và xác định
số lượng Thứ trưởng cần thiết. Bên cạnh đó cần tăng cường cơ chế phối hợp liên
bộ để giảm bớt gánh nặng công việc cho từng Bộ cụ thể.
Đối với quy định về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ
số và hiện đại hóa nền hành chính; theo
đại biểu có thể khó triển khai thực tế do khó khăn về hạ tầng công nghệ, nhân lực
và cơ chế liên thông dữ liệu. Đại biểu đề xuất bổ sung quy định về lộ trình thực
hiện Chính phủ số; đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ để đảm bảo các hệ thống
hành chính liên thông; tăng cường đào tạo lại cán bộ, công chức về công nghệ số.
Về trách nhiệm giải trình của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ hiện nay chưa đủ chặt chẽ; chưa có cơ chế đánh giá hiệu quả công
việc của từng Bộ trưởng theo các tiêu chí cụ thể. Do vậy, đại biểu đề xuất bổ
sung cơ chế đánh giá hàng năm về kết quả công tác của Bộ trưởng; quy định cụ thể
hơn về trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng khi xảy ra sai phạm trong điều hành
ngành, lĩnh vực. Đông thời tăng cường chất vấn trực tiếp tại Quốc hội đối với từng
Bộ trưởng.
Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa
phương (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, bên cạnh những ưu điểm, dự
thảo Luật vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với các quy định về chia tách, sáp nhập đơn vị hành
chính hiện nay chưa có quy định cụ thể về các tiêu chí để quyết định một đơn vị
hành chính có thuộc diện chia tách, sáp nhập hay không. Do đó đại biểu đề nghị
cần bổ sung các tiêu chí định lượng rõ ràng về dân số, diện tích, mức độ phát
triển kinh tế, khả năng cung cấp dịch vụ hành chính để làm căn cứ sáp nhập,
chia tách; bổ sung quy định về đánh giá tác động trước khi thực hiện sáp nhập,
chia tách địa phương và cơ chế đánh giá hiệu quả sau khi thực hiện sáp nhập,
chia tách đơn vị hành chính.
Đối với các quy định về phân quyền, theo đại biểu dự thảo Luật
đã tăng việc phân quyền, trong đó chính quyền địa phương có quyền quyết định
nhiều hơn tuy nhiên chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát. Do vậy, đại biểu đề xuất
cần bổ sung quy định về giám sát phân quyền; tăng cường kiểm soát quyền lực
thông qua Quốc hội, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan độc lập; tăng cường giám
sát hoạt động của chính quyền địa phương thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời cần có chế tài xử lý sai phạm
trong thực hiện phân quyền.
Một vấn đề nữa, theo đại biểu Trần Văn Khải, Dự thảo luật
chưa có quy định riêng biệt cho mô hình chính quyền đô thị, trong khi các thành
phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu quản lý khác biệt so với
các địa phương khác; chưa có cơ chế phân bổ ngân sách linh hoạt cho chính quyền
đô thị để xử lý các vấn đề đặc thù như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường,
quy hoạch đô thị... Đại biểu đề xuất cần bổ sung quy định về cơ chế quản lý
riêng cho đô thị loại đặc biệt với quyền tự chủ tài chính cao hơn; cho phép
chính quyền đô thị được áp dụng các chính sách đặc thù về thu hút đầu tư, quy
hoạch đất đai và cơ chế điều chỉnh ngân sách linh hoạt, không phụ thuộc quá nhiều
vào ngân sách trung ương...
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã; dự
thảo trao cho chính quyền cấp xã nhiều nhiệm vụ hơn, đặc biệt là trách nhiệm tổ
chức đối thoại với dân, quản lý hành chính công, bảo vệ quyền lợi công dân. Tuy
nhiên, chính quyền cấp xã thường thiếu nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, dễ dẫn
đến quá tải. Do đó cần bổ sung quy định chính quyền cấp tỉnh phải có trách nhiệm
hỗ trợ nguồn lực tài chính và nhân sự cho cấp xã, đặc biệt ở các vùng khó khăn;
yêu cầu UBND cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính để giảm
khối lượng công việc giấy tờ.
Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên
quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; đại biểu Trần Văn Khải cho rằng dự thảo
chưa có cơ chế rõ ràng để giải quyết ngay tình trạng dư thừa nhân sự, đặc biệt
là lãnh đạo cấp phó. Bên cạnh đó, việc quy định thời gian 5 năm để sắp xếp số
lượng cấp phó dư thừa quá dài, có thể kéo dài tình trạng dư thừa, gây lãng phí
ngân sách. Đại biểu đề nghị cần rút ngắn thời gian tinh giản cấp phó tối đa 3
năm; có chính sách tái bố trí nhân sự và cơ chế hỗ trợ cán bộ, công chức nghỉ
hưu sớm hoặc tự nguyện thôi việc.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm
quyền khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước như quy định tại dự thảo
Nghị quyết còn chung chung, chưa có cơ chế chi tiết để rà soát nhiệm vụ, dẫn đến
có nguy cơ chồng lấn hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Đại biểu đề xuất nên thành lập tổ
công tác liên ngành để rà soát các chức năng, nhiệm vụ chồng chéo trước khi sáp
nhập, đảm bảo rõ ràng, tránh tình trạng không ai chịu trách nhiệm hoặc nhiều cơ
quan cùng quản lý một nhiệm vụ. Đồng thời phải ban hành hướng dẫn chi tiết về
việc phân công nhiệm vụ ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực. Bên cạnh đó, đại
biểu đề nghị cần làm rõ cơ chế trách nhiệm giải quyết công việc đang xử lý dở
dang khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đối với việc thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế khi
thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đại biểu đề nghị cần khẩn trương rà soát các điều
ước quốc tế bị ảnh hưởng; đồng thời có hướng dẫn cụ thể về cách sửa đổi điều ước
quốc tế liên quan đến tên gọi cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, theo đại biểu thời hạn
2 nămcó thể không đủ để thực hiện sắp xếp bộ máy một cách hiệu quả; một số nhiệm
vụ có thể cần thời gian dài hơn để triển khai. Do đó cần phân chia thời gian thực
hiện theo từng giai đoạn; quy định rõ lộ trình báo cáo tiến độ và có thể gia hạn
Nghị quyết nếu phát sinh vấn đề phức tạp.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam |
tham gia thảo luận tại tổ |
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Phạm Hùng Thắng,
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần
thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời
thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ; cũng như chủ
trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu
trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Đối với các quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương
tại Điều 14 dự thảo Luật, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cần quy định rõ “các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn phân cấp” để các địa phương thực hiện thống nhất, thuận lợi.
Đồng thời làm rõ trường hợp HĐND phân cấp dẫn đến cần thay đổi trình tự, thủ tục,
thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Nếu có thì việc UBND
tỉnh xem xét, ban hành văn bản điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các
cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp đối với trường
hợp HĐND phân cấp có phù hợp hay không?
Đối với quy định về việc ủy quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh,
cấp huyện; người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND
cấp tỉnh, cấp huyện; đại biểu đề nghị bỏ quy định việc ủy quyền của cơ quan
chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Đồng thời đề nghị làm rõ quy định về việc Chủ tịch HĐND ủy quyền cho Phó Chủ tịch
HĐND hay Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND thực hiện một hoặc một số
nhiệm vụ của mình trong khoảng thời gian xác định.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện, đại biểu đề nghị
điều chỉnh, bổ sung quy định HĐND huyện quyết định số lượng đại biểu hoạt động
chuyên trách; rà soát đảm bảo tính thống nhất trong việc đổi tên đơn vị hành
chính cấp mình và cấp xã trực thuộc do chưa đảm bảo tính thống nhất với các quy
định khác trong dự thảo Luật.
Đối với quy định về các nội dung Thường trực HĐND được quyết
định trong thời gian HĐND không họp, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét
quy định cụ thể hơn nội dung “Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất,
khẩn cấp ...” để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị tiếp tục rà
soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp
trong dự thảo Luật, hạn chế quy định các nhiệm vụ, quyền hạn quá cụ thể trong
các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành để tránh việc
mâu thuẫn, trùng lặp với quy định trong các luật khác để bảo đảm tính thống
nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi khi áp dụng thực hiện; rà soát việc
sử dụng các thuật ngữ trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, khoa học.
Theo chương trình kỳ họp, chiều ngày 13/02/2025, Quốc hội thảo
luận tại hội trường về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).