Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội
khóa XV; sáng ngày 14/02/2025, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự
án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy
định về xử lý một số vấn đề liên quan đến
sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Quốc hội nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, |
chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận |
Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe trình bày Tờ
trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu
tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, |
đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận |
Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Chính
phủ (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học,
Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh về khả năng chồng chéo và cát cứ
quyền lực khi áp dụng phân quyền tại Điều 7 của dự thảo Luật khi các quy định
không rõ ràng gây khó khăn trong quá trình thực thi. Để khắc phục tình trạng
trên, đại biểu đề xuất bổ sung nguyên tắc phân quyền có điều kiện, đó là, chỉ
phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị và xây dựng
chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền. Một
giải pháp nữa là cần tăng cường sự giám sát của Trung ương; trong đó đại biểu đề
nghị thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
Đối với quy định về phân cấp tại Điều 8 dự thảo Luật, đại biểu
Trần Văn Khải đề nghị bổ sung cơ chế thẩm định hiệu quả phân cấp, quy định rõ
nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm; các quyết định phân cấp
phải được Quốc hội giám sát định kỳ. Đồng thời cần áp dụng nguyên tắc phân cấp
linh hoạt đối với các địa phương chưa đủ năng lực, cần có chế tài kiểm soát chặt
chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn.
Đối với quy định về ủy quyền tại Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu
cho rằng việc ủy quyền thiếu kiểm soát có thể khiến trách nhiệm bị đùn đẩy giữa
các cấp chính quyền. Khi một nhiệm vụ được ủy quyền nhưng không có cơ chế ràng
buộc trách nhiệm có thể xảy ra tình trạng cấp giấy, không thực hiện hoặc thực
hiện không hiệu quả. Một số nhiệm vụ quan trọng như phê duyệt dự án đầu tư
công, cấp phép xây dựng, nếu ủy quyền mà không kiểm soát có thể dẫn đến tham
nhũng, tiêu cực. Đại biểu đề nghị cần điều chỉnh nội dung Điều 9 theo hướng giới
hạn phạm vi ủy quyền; chỉ ủy quyền các nhiệm vụ hành chính thông thường, không ủy
quyền các nhiệm vụ quyết định chính sách vĩ mô. Quyết định ủy quyền phải được
kiểm soát bởi Ủy ban Giám sát quốc gia. Đồng thời bổ sung trách nhiệm giải
trình, trong đó cơ quan được ủy quyền phải báo cáo định kỳ với cơ quan ủy quyền;
quy định trách nhiệm cá nhân, nhiệm vụ được ủy quyền thực thi thực hiện sai.
Tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy
định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; đại
biểu Trần Văn Khải bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với các quy định tại Điều 4
của dự thảo quy định "Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ
quan, người có thẩm quyền sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước", tuy
nhiên một số điểm trong điều này còn những hạn chế lớn, cần làm rõ để bảo đảm
quá trình chuyển đổi diễn ra thật suôn sẻ.
Hạn chế thứ nhất là chưa có quy định rõ quy trình bàn giao
công việc đang xử lý, tại khoản 5 Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định khá chung
chung, không có hướng dẫn chi tiết về quy trình bàn giao, không có cơ chế kiểm
soát hồ sơ, thủ tục đang xử lý có bị trì hoãn hoặc thất lạc hay không và dễ dẫn
đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan cũ và cơ quan mới. Đại biểu đề
xuất yêu cầu cơ quan lập danh sách hồ sơ công việc đang xử lý trước khi bàn
giao, danh sách cần bàn giao, gồm trạng thái xử lý của từng công việc, xác định
rõ cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm xử lý từng công việc còn tồn đọng. Đồng thời
cần quy định về thời gian bàn giao hồ sơ cụ thể, hồ sơ chưa hoàn tất phải kèm
theo hướng dẫn cụ thể để tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó cần thiết lập hệ thống
giám sát công việc bàn giao, trong đó đề nghị Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm kiểm
tra, đánh giá tiến độ bàn giao hồ sơ giữa các cơ quan.
Hạn chế thứ hai, theo đại biểu Trần Văn Khải là chưa có cơ
chế xử lý trách nhiệm đối với công việc bị gián đoạn khi chuyển giao, không có
cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng, không có quy định trách nhiệm cá nhân khi để hồ
sơ, thủ tục bị chậm trễ hoặc thất lạc. Đại biểu đề nghị cần có quy định ràng buộc
trách nhiệm cá nhân trong quá trình chuyển giao công việc, nếu có sai sót trong
chuyển giao, cá nhân phải chịu trách nhiệm và bị xem xét kỷ luật theo quy định.
Bổ sung quy định về việc cơ quan cũ hỗ trợ xử lý công việc trong thời gian quá
độ. Đồng thời cần xây dựng cơ chế khiếu nại nếu có bất cập trong bàn giao
Hạn chế thứ ba là chưa có cơ chế xử lý các văn bản pháp lý
chưa hoàn có thể bị ảnh hưởng do thay đổi cơ quan chủ trì. Để giải quyết vấn đề
này cần rà soát, xây dựng danh mục các văn bản cần sửa đổi trước khi thực hiện
sắp xếp tổ chức. Đồng thời áp dụng quy trình sửa đổi văn bản nhanh, cho phép sử
dụng quy trình sửa đổi, rút gọn đối với các văn bản pháp lý bị ảnh hưởng trực
tiếp do quá trình sắp xếp.
Hạn chế thứ tư là chưa có quy trình xử lý các vụ việc hành
chính, tố tụng dở dang có thể gặp gián đoạn do thay đổi cơ quan chủ trì. Theo đại
biểu Trần Văn Khải cần yêu cầu cơ quan cũ lập danh sách các việc hành chính, tố
tụng đang xử lý, bàn giao chi tiết cho cơ quan tiếp nhận. Đồng thời phải quy định
thời gian xử lý tiếp nối, tránh tình trạng hồ sơ bị đình trệ. Việc bổ sung các
cơ chế giám sát, thời gian thực hiện và chế tài trách nhiệm sẽ giúp đảm bảo quá
trình sắp xếp bộ máy nhà nước diễn ra thông suốt và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu giải trình, |
làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, |
làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu |
Theo chương trình kỳ họp, chiều ngày 14/02/2024; Quốc hội thảo
luận ở tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu
tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường
sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một
số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường
sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.