Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 22/11/2024, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Tổ 18 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hoá, Trà Vinh.

anh tin bai
 

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội trong tổ nhất trí về sự cần thiết việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Các dự án Luật đã bám sát chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thị trường thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh,phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia và  đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát..

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam có một số ý kiến cụ thể :

- Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 72 Luật Hoạt động giám sát  theo hướng bổ sung thêm đối tượng giải trình, người bị chất vấn là Thủ trưởng “Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” để thống nhất với Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và khoản 1, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát. Đại biểu cho biết: theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Hoạt động giám sát mới chỉ điều chỉnh đến “thành viên của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp”. Tuy nhiên tại điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát quy định: “Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp...” 

anh tin bai
 Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội
 tỉnh Hà Nam tham gia ý kiến

- Đề nghị bổ sung“Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự” vào điểm a khoản 2 Điều 60a dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung để thống nhất, đầy đủ với nhóm chủ thể bị chất vấn.

- Đại biểu đề nghị xem xét sự cần thiết quy định “thời gian xem xét báo cáo giám sát của Đoàn giám sát” trong Nghị quyết/Quyết định thành lập Đoàn giám sát. Bởi trong quá trình thực hiện cuộc giám sát, đối với mỗi nhiệm vụ đều cần một thời gian nhất định như thời gian xem xét báo cáo giám sát; thời gian giám sát trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; thời gian xây dựng, hoàn thiện báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát; thời gian xây dựng, ban hành Kết luận giám sát… Do đó, việc chỉ quy định thời gian xem xét báo cáo giám sát của Đoàn giám sát trong Quyết định thành lập Đoàn giám sát là chưa đầy đủ, toàn diện. Thời gian xem xét báo cáo giám sát của Đoàn giám sát nên quy định trong Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát.

- Tại khoản 4 Điều 1  Dự thảo Luật sửa đổi (Phương án 2) sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 7: “ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.....có trách nhiệm gửi Nghị quyết mà mình đã ban hành đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký văn bản” tương tự như vậy đối với cấp huyện và cấp xã cũng gửi đến cấp tỉnh và cấp huyện chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Đề nghị xem xét làm rõ quy định chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký văn bản. Vì: Nghị quyết của HĐND các cấp được ký “Chứng thực” và theo nguyên tắc thì được ký vào ngày thông qua Nghị quyết. Tuy nhiên trên thực tế thì các Nghị quyết của HĐND các cấp khi thông qua còn rà soát chỉnh sửa sau đó mới ký chứng thực. Do vậy, đại biểu đề nghị sửa lại là “kể từ ngày thông qua và điều chỉnh thời gian gửi Nghị quyết lên 5 ngày hoặc 7 ngày cho phù hợp với tình hình thực tế thực hiện.

- Tại khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 13, trong đó dự thảo Luật đang có 2 Phương án; Phương án 1 Luật sửa đổi xác định tương đối cụ thể thời điểm xem xét các báo cáo; Phương án 2, được giữ như Luật hiện hành. Về nội dung này đại biểu tán thành với phương án 1.

- Tại điểm b, Khoản 20 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 5, trong đó đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban TVQH tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; và Phương án 2, là giao Ban Dân nguyện thực hiện. Đối với nội dung này, đại biểu đề nghị xem xét quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban TVQH tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, vì nội dung này thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Tại Khoản 1 Điều 52 quy định: ...”Đoàn giám sát do Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội làm Trưởng đoàn và có ít nhất ba đại biểu Quốc hội là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát”. Đại biểu đề nghị xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật giám sát (hiện hành) theo hướng không nên quy định số lượng đại biểu Quốc hội tham gia thành viên của Đoàn giám sát, điều này dẫn đến bất cập khi Đoàn giám sát tổ chức hoạt động giám sát.

           Trước phiên thảo luận tại Tổ, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật .
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập