Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5,
sáng ngày 19/6/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc
hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa
đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Toàn cảnh hội trường phiên
thảo luận
Tham gia phát biểu ý kiến trước Quốc hội, đại
biểu Phạm Hùng Thắng - Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, dự thảo
Luật và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, |
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu tại phiên thảo luận |
Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp
tỉnh, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp,
phát sinh các thủ tục hành chính. Tại điểm a khoản 1 Điều 31 dự thảo luật quy định
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng Chương trình phát triển và phải lấy ý
kiến góp ý của Bộ Xây dựng trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông
qua. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét kỹ nội dung này, bởi việc gửi lấy
ý kiến của Bộ Xây dựng là quy định mới được bổ sung trong dự án Luật sửa đổi lần
này. Trong khi đó, luật hiện hành không quy định nội dung này mà chỉ quy định đối
với thành phố trực thuộc trung ương. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định
này chắc chắn sẽ làm các thủ tục hành chính cho địa phương. Do vậy, đại biểu đề
nghị bỏ nội dung này trong dự thảo luật.
Về nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định
cư: tại khoản 1 Điều 51 dự thảo quy định "...nhà ở tái định cư phải bảo đảm
có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Việc không quy định các tiêu chí
cụ thể như thế nào là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ sẽ gây khó khăn trong quá
trình áp dụng thực hiện sau này. Đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể những
tiêu chí, mang tính định lượng cụ thể hơn trong dự thảo Luật để cho các địa
phương dễ triển khai thực hiện.
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà
ở xã hội; đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu mở rộng
thêm các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội như công nhân và
người lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cụm công nghiệp và các cơ sở
sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp; đồng thời xem xét lại quy định về điều kiện
đối tượng được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Về xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua
nhà ở xã hội không do Nhà nước đầu tư xây dựng: tại điểm a, khoản 1, Điều 84
quy định giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu
tư xây dựng nhà ở, trong đó có quy định “chi phí hợp lý khác”.... Để kiểm soát
chặt chẽ giá bán nhà ở xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu
tư, người mua, đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm của chi phí hợp lý khác hoặc phải
quy định các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý, hợp lệ khi
tính vào giá bán.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát quy định
về nhà ở lưu trú của công nhân của dự thảo luật thống nhất với Luật Đầu tư hiện
hành.