Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Tiếp tục chương
trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; sáng ngày 07/5/2025; Quốc hội tiến
hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự
án Luật Việc làm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành
phiên thảo luận.
Toàn cảnh phiên họp
Trước khi tiến hành
thảo luận, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ
sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật
Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi);
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, |
đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu |
Phát biểu tại phiên
thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và
Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho rằng vai trò
kinh tế tư nhân trong tạo việc làm chưa được nhấn mạnh tương xứng trong dự thảo
luật, chưa nêu cụ thể quan điểm coi khu vực tư nhân là động lực chính của tăng
trưởng việc làm. Khu vực tư nhân hiện thu hút 82% lực lượng lao động, mục tiêu
đến năm 2030 đạt 84% đến 85%. Nếu luật không tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng
hơn cho kinh tế tư nhân thì chúng ta khó đạt mục tiêu đó, tốc độ tạo việc làm mới
sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, định hướng đổi mới
sáng tạo, chuyển đổi số chưa được cụ thể hóa thành cơ chế, chương trình rõ
ràng. Luật thiếu quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo,
đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Điều này có thể khiến Việt Nam tụt hậu,
người lao động lỡ cơ hội việc làm mới và doanh nghiệp trong nước khó cạnh
tranh. Dự thảo Luật chưa đề cập cơ chế phối hợp liên ngành, hiệu quả trong triển
khai chính sách việc làm, thiếu phối hợp đồng bộ dẫn đến có thể chồng chéo hoặc
bỏ sót trách nhiệm, làm giảm hiệu lực thực thi.

Trên cơ sở những nhận định trên, đại biểu Trần Văn Khải đề
xuất bổ sung tại khoản 1 Điều 4 nội dung ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân
là động lực chính trong tạo việc làm bền vững, nhằm nhấn mạnh vai trò của kinh
tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững và khẳng định cam kết của Nhà nước về
môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Đồng thời, mở rộng chính sách ưu
đãi cho doanh nghiệp tạo việc làm, giao Chính phủ quy định cụ thể các hỗ trợ
tương ứng.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đại biểu đề nghị
tại khoản 2 Điều 9 cần bổ sung quy định doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng
tạo thuộc nhóm được vay vốn với lãi suất ưu đãi; tại khoản 1 Điều 23 bổ sung nội
dung xây dựng chương trình đào tạo kỹ
năng số cho người lao động đáp ứng chuyển đổi số. Đồng thời bổ sung một Điều mới
là Điều 16a nội dung phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn
quốc giúp người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin tuyển dụng.
Về hoàn thiện cơ chế thực thi, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị
tại điểm đ khoản 2 Điều 6 cần bổ sung nội dung quy định rõ cơ chế phối hợp liên
ngành trong thực hiện chính sách việc làm, nhằm phân định trách nhiệm từ trung
ương đến địa phương, đồng thời xây dựng lộ trình triển khai cơ sở dữ liệu quốc
gia về người lao động, bảo đảm chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả.
Theo đại biểu Trần Văn Khải, nếu được bổ sung các nội dung
nêu trên, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ thể chế hóa đầy đủ nhất và kịp thời nhất
chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết 57, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 18, giúp
cho kinh tế tư nhân phát triển, khơi dậy nguồn lực to lớn nội sinh của dân tộc,
khu vực tư nhân, phát huy tiềm năng, tạo thêm nhiều việc làm mới, người lao động
nâng cao kỹ năng, nắm bắt cơ hội mới và nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ
trong kỷ nguyên số.