Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Sáng ngày 01/6/2023, tiếp tục
Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ,
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực
hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội & ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; chủ trương đầu tư bổ
sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Trần Thị
Hiền, đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam bày tỏ sự đồng tình
với báo cáo của Chính
phủ và báo cáo thẩm tra
của Ủy ban Kinh tế về
đánh giá bổ sung kết quả thực hiện
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình
thực hiện những tháng đầu năm 2023.
Đại biểu Trần Thị Hiền, đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam |
phát biểu tại hội trường |
Đại biểu Trần Thị Hiền
cho rằng: Theo báo cáo của Chính phủ, trong 04 tháng đầu năm 2023, tình
hình doanh nghiệp gia nhập thị trường và doanh nghiệp rời khỏi thị trường có sự
tương đồng; theo số liệu thống kê từ năm 2020, khi Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp
đến nay, hàng năm số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn rất nhiều so
với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường; mặc dù từ cuối năm 2022, Chính phủ đã
chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để gỡ khó
khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng mức độ tác động và hiệu quả vẫn chưa được
như kỳ vọng; nhiều doanh nghiệp vẫn trong hoàn cảnh khó khăn bởi thiếu đơn
hàng, thị trường, thiếu vốn, chuỗi cung ứng chưa phục hồi, thông suốt. Vì vậy, số
lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường cần được Chính phủ chỉ đạo các cơ quan
liên quan phân tích, đánh giá, để nhận diện rõ ràng thực trạng của doanh nghiệp
rút khỏi thị trường ở loại hình, lĩnh vực nào, quy mô, nguồn nhân lực ra sao;
nguyên nhân ngừng hoạt động; trong đó cần chú trọng đánh giá những nguyên nhân
chủ quan liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách; giải pháp
hỗ trợ thiết thực hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, để nuôi dưỡng và phát triển
kinh tế tư nhân. Để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hoạt động hiệu quả, đại
biểu mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm thực hiện một số vấn đề sau.
Thứ nhất, trong bối cảnh một nền kinh tế hội nhập với những
biến động khó lường, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, có những chính sách ưu
đãi hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ
mang tính tạm thời, tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp. Vừa qua, Thủ tướng vừa
ban hành Chỉ thị số 14-CT/TTg, ngày 24/5/2023 về một số nhiệm vụ, giải pháp
nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong
giai đoạn mới, đại biểu cũng mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có những
chỉ đạo hỗ trợ thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Thứ hai, theo quy định pháp luật về đất đai, điều kiện giao
đất để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất lúa từ 10 ha trở lên phải có văn bản
chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Để
tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đề nghị Quốc hội,
Chính phủ xem xét ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận chuyển mục
đích sử dụng đất lúa đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh lớn hơn 10
hecta, trên cơ sở tuân thủ kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền chấp thuận,
đảm bảo nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của
pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Thứ ba, theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất
đai, môi trường hiện hành, các dự án có sử dụng đất lúa phải thực hiện đánh giá
tác động môi trường ( ĐTM ) trước khi triển khai thực hiện dự án. Thực tế, có
những dự án ở địa phương có quy mô nhỏ, sử dụng diện tích rất ít đất lúa nhưng
vẫn phải thực hiện thủ tục ĐTM, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án; thủ
tục, trình tự đánh giá ĐTM thông thường mất khoảng 6 tháng. Để đẩy nhanh tiến độ
thực hiện dự án, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho phép xác định đối tượng
đánh giá ĐTM theo quy mô xây dựng, tính chất công trình, không xác định theo
nguồn gốc diện tích sử dụng đất lúa; đồng thời xem xét, ủy quyền cho địa phương
phê duyệt ĐTM đối với các dự án đầu tư thông thường có sử dụng lớn hơn 10 ha đất
lúa, trừ các dự án có ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường...
Tại phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội
trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc tiếp tục thực hiện chính
sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày
11/01/2022; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương
trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch
đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế
hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc
gia. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình,
làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.