Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Tổ Dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Chiều ngày 19/6/2023, tiếp tục chương trình
làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý
kiến đối với dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đoàn
ĐBQH tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Tổ 17 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
và Bắc Giang.
Các vị
đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại tổ 17
Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội trong tổ cơ bản nhất trí
với sự cần thiết sửa đổi Luật Bất động sản, việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của
Đảng, chính sách của Nhà nước, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để phát
triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; khắc phục những hạn chế, vướng
mắc trong thực tiễn thi hành; điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn;
luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm thúc
đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ
thống pháp luật, góp phần phát triển thị trường bất động sản ổn định, minh bạch,
lành mạnh, bền vững, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân,
theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển
kinh tế - xã hội.
Các vị đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tham gia thảo
luận tại tổ
Tham gia ý kiến vào dự án Luật bất động sản (sửa đổi),
các vị đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, có một số ý kiến cụ
thể như:
Thứ nhất, Luật kinh doanh bất động sản có liên quan đến nhiều
Luật chuyên ngành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở...đại biểu đề nghị cơ quan soạn
thảo cần rà soát kỹ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhất
là về nội dung: chuyển nhượng dự án bất động sản quy định
tại điều 40, Điều 41 dự thảo Luật kinh doanh bất động sản;
Thứ hai, tại khoản 1,
Điều 25, Dự thảo Luật quy định “Có các giấy tờ pháp lý về dự án....” quy định
này chưa rõ, sẽ gây khó khăn khi thực hiện cho cả Chủ đầu tư và cơ quan Nhà nước
khi giải quyết thủ tục hành chính. Để bảo đảm căn cứ pháp lý minh bạch, rõ ràng,
đại biểu đề nghị quy định cụ thể “các giấy tờ pháp lý về dự án” là những loại
giấy tờ gì?
Thứ ba, về hợp đồng trong
kinh doanh bất động sản và nội dung của hợp đồng trong kinh doanh bất động sản
quy định tại điều 45 và Điều 47 dự thảo Luật. Theo dự thảo thì có 15 loại Hợp đồng trong kinh doanh bất động
sản, về cơ bản đã điều điều chỉnh hết các loại giao dịch, tuy nhiên đề nghị xem
xét bổ sung thêm về loại hợp đồng
giữa 03 bên (người mua - chủ đầu tư - sàn giao dịch bất động sản) và nội dung cơ bản của hợp đồng để ràng buộc trách
nhiệm của cả chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản, trong đó có trách nhiệm
bồi thường của sàn giao dịch bất động sản nếu cung cấp thông tin không đầy đủ,
không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho các bên tham gia giao dịch, bảo đảm
quyền lợi cho người mua.
Thứ tư, Tại khoản 4 Điều 65 dự thảo Luật quy định Điều kiện
của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản quy định “Các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản
phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và phải hành nghề trong một
sàn giao dịch bất động sản hoặc tổ chức môi giới.” và các quy định trong
Mục 3 Chương VII về Môi giới bất động sản đề cập đến tổ chức môi giới, tuy
nhiên chưa quy định cụ thể về điều kiện, hoạt động, trách nhiệm và nghĩa vụ của
tổ chức môi giới để đảm bảo quản lý loại hình tổ chức này. Đại biểu đề nghị
nghiên cứu xem xét bổ sung nội dung này.
Thứ năm, tại điểm b khoản 1 Điều 51 dự thảo Luật Quy định về điều
kiện chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản:
“b) Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công
trình xây dựng thuộc diện không đang có tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự
hoặc nếu có tranh chấp, khiếu kiện thì đã được giải quyết xong”;
Quy định như trên sẽ khó áp dụng thực hiện: tranh chấp, khiếu kiện liên
quan đến hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hay là tranh
chấp liên quan đến nhà ở, công trình xây dựng là đối tượng của hợp đồng
Việc giải quyết các thủ tục hành
chính, khiếu kiện về đất đai, nhà ở luôn là vấn đề phức tạp, kéo dài, chính vì
đề nghị quy định cụ thể tranh chấp, khiếu kiện tại về điều kiện chuyển nhượng
hợp đồng kinh doanh bất động sản là tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến hợp
đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hay liên quan đến nhà ở, công
trình xây dựng là đối tượng của hợp đồng.
Bên cạnh đó,
đại biểu đề nghị nghiên cứu làm rõ về khái niệm “tranh chấp”, cần quy định rõ
căn cứ để xác định “tranh chấp” ví dụ như: “Tranh chấp
đó về quyền, nghĩa vụ của các bên....” để tránh
trường hợp lợi dụng để hạn chế quyền chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động
sản.
Thứ sáu, về sàn
giao dịch bất động sản: tại các Điều từ 56 đến 64 dự thảo
Luật đã quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của sàn, điều kiện thành
lập sàn, điều kiện đối với người quản lý, điều hành, việc đăng ký hoạt động,
nội dung hoạt dộng, quyền, nghĩa vụ của sàn, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá
nhân tham gia giao dịch qua sàn. Tuy nhiên, nội dung quy định tại dự thảo Luật
chưa thật sự chặt chẽ để đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả của sàn giao dịch
bất động sản, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.
Khoản 1 Điều 57
quy định “Chủ
đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai
và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động
sản để người dân tự xây dựng nhà ở phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao
dịch bất động sản theo quy định của Luật này” làm hạn chế
khả năng tổ chức, cá nhân thuê, mua nhà ở, công trình hình thành trong tương
lai qua các kênh khác. Bên cạnh đó, việc quy định bắt buộc giao dịch qua sàn
cũng làm tăng chi phí cho cả bên mua và bên bán. Do đó đại biểu đề nghị cơ quan
soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh nội dung này.
Ngoài ra, để
nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, đại
biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về chương trình đào tạo và bằng
cấp, chứng chỉ đối với đào tạo, bồi dưỡng kiến thức điều hành sàn giao dịch bất
động sản./.