Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Sáng ngày 05/6/2023, theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp đầu buổi sáng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đống Ngân hàng nhà nước và Bộ Trưởng bộ Xây dựng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ cùng với các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, An Giang.  

anh tin bai
 Đại biểu Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBDN tỉnh,
 Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi thảo luận

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Trương Quốc Huy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Dự án Luật Nhà ở là một dự án luật lớn được dư luận nhân dân, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và cũng là một luật có nội dung phức tạp, liên quan nhiều đến các luật khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ luật Dân sự... đây cũng là vấn đề liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân, người lao động tác động đến chỗ ở và chính sách an sinh xã hội, thông qua đó cũng tác động rất lớn đến chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, đại biểu có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, Dự thảo luật còn khá nhiều các điều, điểm giao thoa, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất giữa dự án Luật này với các Luật hiện hành, nhất là đối với Dự án Luật Đất đai và Dự án Luật Kinh doanh bất động sản đang sửa đổi. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác và các cơ quan Quốc hội để thống nhất xử lý các vấn đề còn giao thoa, chồng chéo. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu để luật hoá tối đa các quy định đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả.

anh tin bai

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận

Thứ hai, Về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Hiện nay pháp luật chỉ cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng không gắn với quyền sử dụng đất. Trong Dự thảo Luật này, tất cả các điều trong luật này thì việc sở hữu nhà ở không gắn với quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài chưa được thể hiện rõ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung làm rõ thêm.

Thứ ba, Về Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu cho biết:  Tại điểm a, khoản 1 Điều 31 dự thảo quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về các nội dung tại các điểm c, d, đ và điểm e khoản 1 Điều 29 của Luật này trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua....” ;

Đại biểu đề nghị xem xét kỹ nội dung này, đây là nội dung được sửa đổi, quy định này sẽ làm phát sinh thủ tục, chưa phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong việc lập, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; nếu có, thì chỉ các thành phố trực thuộc Trung ương mới xin ý kiến Bộ Xây dựng.

Thứ tư, Về phát triển nhà ở (Chương IV):  Tại khoản 1, Điều 34 dự thảo quy định về Quỹ đất để phát triển nhà ở quy định:  “1. Khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất xây dựng nhà ở trong quy hoạch.”

Đề nghị xem xét lại nội dung quy định này cho thống nhất với Luật xây dựng vì: Theo quy định của Luật Xây dựng, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học không bao gồm đất ở;

- Tại điểm b khoản 2 Điều 37 dự thảo quy định Chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở

b) Có quyền sử dụng đất để thực hiện đối với từng loại dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này ”.

Quy định này chỉ phù hợp trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, còn đối với trường hợp nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án sẽ chưa được giao đất thì không đảm bảo điều kiện làm chủ đầu tư dự án như dự thảo quy định (Vì để được giao đất thì nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư). Do đó đại biểu đề nghị xem xét lại quy định điều kiện có quyền sử dụng đất đối với trường hợp nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án.

Thứ năm, về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (Điều 38 dự thảo Luật): Luật Đất đai là luật chuyên ngành quy định về chế độ quản lý, sử dụng các loại đất, trong đó đã quy định cụ thể về các loại đất, các trường hợp thu hồi đất làm dự án nhà ở, căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về quyền sử dụng đất để làm dự án nhà ở thương mại, vv...

Do đó để tránh chồng chéo, xung đột, đại biểu đề nghị xem xét, không nên quy định nội dung này trong Luật Nhà ở, mà thống nhất quy định trong Luật đất đai.

Thứ sáu, Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Khoản 6 Điều 73 của dự thảo Luật quy định: “Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp” là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Hiện nay, với chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm được phát triển mạnh, nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động tại khu vực này là không nhỏ, cần thiết được hỗ trợ về nhà ở xã hội bên cạnh đối tượng làm việc trong khu công nghiệp; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có cơ chế hỗ trợ của nhà nước, cần xem xét ưu tiên hỗ trợ cho các đối tượng không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập. Để đảm bảo công bằng, đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa khoản 6 là: công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân".

Thứ 7, về Nhà lưu trú: Dự thảo quy định: Nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó theo quy định của Luật này.”.

Cần xem xét, làm rõ, phân biệt sự khác nhau giữa nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho công nhân; việc quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật đất đai (sử dụng đúng mục đích, loại hình nhà ở nào phải xây dựng trên đất ở chứ không phải đất dịch vụ trong khu công nghiệp);

anh tin bai
 Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên THường trực Ủy ban KHCN và MT
 của Quốc hội phát biểu tại buổi thảo luận

Theo Luật cư trú, tại khoản 6 Điều 2 quy định: "6. Lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày". Việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp (không khống chế thời gian) cần đảm bảo phù hợp với Luật cư trú.

- Các khoản 1, 2 và 3 Điều 89 của dự thảo Luật quy định về việc xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; đồng thời, điểm c khoản 2 Điều 92 của dự thảo Luật quy định dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, đảm bảo đủ các khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu lưu trú bao gồm: y tế, sinh hoạt văn hóa, sân chơi, thể dục - thể thao, dịch vụ, thương mại và tiện ích công cộng.

Khoản 1 Điều 19 và khoản 9 Điều 77 của Luật Đầu tư xác định phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp phải nằm ngoài phạm vi ranh giới địa lý của khu công nghiệp và bảo đảm khoảng cách an toàn môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 1 Điều 149 của Luật Đất đai hiện hành quy định: “Khi quy hoạch, thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất phải đồng thời lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất.”.

Do vậy, đại biểu đề nghị việc quy định loại hình nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp trong dự thảo Luật Nhà ở cần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Đất đai và Luật đầu tư.

Bên cạnh đó, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã phát biểu những vấn đề chung trong vướng mắc trong cơ chế chính sách liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội và đề xuất một số nhóm giải pháp lớn cần luật hóa tại Chương 6, từ Điều 73 đến Điều 97 tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)./.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập