Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam.
Thực hiện kế
hoạch số 08/KH-TTHĐND ngày 25/02/2019 của Thường trực HĐND tỉnh giám sát công
tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đá, chế
biến vật liệu xây dựng khu vực phía tây sông Đáy tỉnh Hà Nam, Ngày 02/4/2019,
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên
và Môi trường tỉnh Hà Nam. Đồng chí Lê Thị Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh
ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham dự buổi làm
việc có các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các
thành viên Đoàn giám sát; các đồng chí lãnh đạo đại diện: Ban Thường trực
UBMTTQ tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công an tỉnh.

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi
trường báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong
hoạt động khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng khu vực phía tây sông Đáy.
Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, dưới sự lãnh
đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả của HĐND tỉnh, sự điều
hành quyết liệt của UBND tỉnh, công tác bảo vệ môi trường và quản lý hoạt động
khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều
kết quả. Sở Tài nguyên và Môi trường với chức năng quản lý Nhà nước đã tham mưu
cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo như: Chỉ thị số 10-CT/TU
ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với
công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường và
kết cấu hạ tầng giao thông; Quyết định 22/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 về việc ban
hành quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn; Đề án 2617/ĐA-UBND ngày
04/11/2016 Đề án tổng thể giảm thiểu ô
nhiễm môi trường khu vực phía tây sông Đáy... Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc,
nhắc nhở các cơ sở khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng thực hiện đúng, đủ
các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đá, chế biến vật liệu
xây dựng, đặc biệt là khu vực phía tây sông Đáy, tình trạng môi trường khu vực
đã có chuyển biến đáng kể: Môi trường không khí, khói bụi, tiếng ồn đã giảm (có 03/5 nhà máy xi măng lắp đặt xong hệ
thống quan trắc tự động, còn 02 doanh nghiệp cam kết lắp đặt trong tháng 4/2019);
các doanh nghiệp đã xây dựng và lập báo cáo xác nhận hoàn thành các công trình
bảo vệ môi trường BVMT (44/73 cơ sở khai
thác, chế biến vật liệu xây dựng đã có giấy xác nhận hoàn thành các công trình
BVMT, còn 29/44 đơn vị đang tiếp tục hoàn thiện, 13/29 đơn vị trong thời gian
xây dựng mỏ, nằm trong quy hoạch sân golf.). Tiến hành thu gom và xử lý
toàn bộ rác thải trên địa bàn tỉnh, không để rác thải ùn ứ tại các địa phương
với 2 nhà máy xử lý rác hoạt động ổn định 285 tấn/ ngày đêm. Hạ tầng giao thông
khu vực đã được duy tu, nâng cấp, các đơn vị đã tăng cường quét dọn vật liệu
rơi vãi, phun nước giảm bụi trên các tuyến đường..

Đồng chí Phạm Văn Đồng, Tỉnh ủy viên, Phó
Chủ tịch HĐND tỉnh
phát
biểu tại buổi làm việc
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác quản lý Nhà
nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đá, chế biến vật liệu xây
dựng khu vực Tây sông Đáy còn có một số hạn chế: Một số doanh nghiệp khai khai
thác chế biến và sản xuất, kinh doanh trong khu vực chưa thực hiện đầy đủ các
giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường, có doanh nghiệp sản xuất xi
măng chưa lắp đặt quan trắc tự động, một số công trình bảo vệ môi trường của doanh
nghiệp đã xây dựng nhưng không duy trì hoạt động; hạ tầng giao thông đã xuống
cấp, xe chở quá tải trọng làm rơi vãi vật liệu gây ô nhiễm.
Tại buổi làm việc, trên cơ sở báo cáo của ngành,
kết quả khảo sát trực tiếp tại các doanh nghiệp khai thác khoảng sản trên địa
bàn và kết quả làm việc với UBND các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, các đại biểu
đã trao đổi, thảo luận, đề nghị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây
dựng báo cáo, giải trình làm rõ một số nội dung mà thành viên Đoàn giám sát quan
tâm như: kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của Đề án 2617; vấn đề xử lý đối với
các doanh nghiệp khai thác không đúng quy hoạch, chưa lắp đặt hệ thống quan
trắc, không duy trì thực hiện công trình bảo vệ môi trường, chế tài đối với
doanh nghiệp tái phạm; công tác phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thanh
tra, kiểm tra liên ngành chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; việc giải toả
một số cầu cảng, máng rót không hợp pháp.

Đồng chí Lê Thị Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường
vụ Tỉnh ủy,
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND phát biểu kết
luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Thị
Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh ghi
nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý nhà nước của
ngành trong thời gian qua, để thực hiện
tốt công tác bảo vệ môi trường trong khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng
khu vực tây Đáy, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở thực hiện tốt một
số nhiệm vụ: Tổ chức đánh giá 2 năm thực hiện Đề án 2617, trong đó cần tiếp tục
xác định trách nhiệm của ngành trong việc thực hiện quản lý nhà nước về môi
trường khu vực tây Đáy; phối hợp với các địa phương đề xuất UBND tỉnh giải
quyết vấn đề môi trường có tính liên vùng; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan,
trọng tâm thanh tra, kiểm tra liên ngành các doanh nghiệp vi phạm; xử lý các
doanh nghiệp không ký quỹ bảo vệ môi trường, công trình bảo vệ môi trường không
hoạt động, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện trồng cây xanh đảm bảo theo quy định,
các doanh nghiệp chưa lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, nổ mìn không đúng
hộ chiếu; tham mưu, đề xuất hướng xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm, trong
xử lý vi phạm đảm bảo nghiêm minh trước pháp luật.
Trước khi
giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND
tỉnh đã tiến hành khảo sát trực tiếp tại một số doanh nghiệp khai thác khoảng
sản và chế biến vật liệu xây dựng, làm việc với UBND các huyện Thanh Liêm, Kim
Bảng, các Sở, ngành: Sở Công thương, Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải.
Phòng Tổng hợp