Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Tiếp tục chương
trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; sáng ngày 09/5/2025; Quốc hội tiến
hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự
án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
điều hành phiên thảo luận.
Toàn cảnh phiên họp
Trước khi tiến hành
thảo luận, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy
ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Quy hoạch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp;
nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
(sửa đổi).
Đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, |
Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam |
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải, Phó
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc
hội tỉnh Hà Nam tập trung vào các điều khoản liên quan đến nước giải khát, xe
điện, điều hòa và xăng, nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo,
năng lượng sạch, và bảo vệ người nông dân, doanh nghiệp công nghệ, sản xuất
trong nước, cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đánh giá việc tác động của áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với
nước giải khát có đường có thể ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và sản phẩm tự
nhiên khác, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, khái niệm nước giải khát có
đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại
sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt
có ga. Thực tế, có khoảng 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp
chế biến rất lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có thể bị coi là nước giải
khát chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp dụng mức 10% cho nước gọt có ga là
chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp.
Với bất cập trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị lùi thời điểm
áp thuế 1 năm, áp 8% năm đầu và 10% các năm tiếp theo. Giải pháp này sẽ giúp
cho doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất, người dân thay đổi dần thói quen, Nhà nước
đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và hài hòa lợi ích của các bên.
Đối với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện và xe
sử dụng năng lượng sạch; đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, chính sách hiện hành
ưu đãi thuế rất thấp cho xe ô tô điện chạy
pin, đồng thời áp dụng mức thuế ưu đãi cho một số xe lai điện dòng hybrid
sạc ngoài (PHEV), còn dòng hybrid tự sạc (HEV) thì vẫn chịu thuế như
xe xăng thường. Điều này chưa hợp lý bởi xe hybrid không sạc ngoài vẫn
giúp giảm nhiên liệu hóa thạch tiêu thụ và giảm phát thải, là bước chuyển tiếp
quan trọng sang xe điện hoàn toàn khi hạ tầng sạc chưa hoàn thiện. Ngoài ra, lộ
trình tăng thuế với ô tô điện sau năm 2027 (từ 3% lên 11%) được đánh giá
là quá nhanh, có thể kìm hãm đà phổ cập xe điện trong giai đoạn đầu.
Đại biểu Trần Văn Khải đề xuất mở rộng ưu đãi thuế cho mọi
dòng xe sử dụng năng lượng sạch nhằm tạo sân chơi công bằng cho
các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu; xem xét kéo dài thời gian ưu đãi thuế cho
xe điện chạy pin nhằm đưa giá xe điện hợp lý hơn trong trung hạn,
khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện mà không tạo cú sốc về thuế. Đồng
thời ưu tiên thúc đẩy khoa học công nghệ và công nghiệp, bổ sung các ưu
đãi bổ trợ nhằm hình thành hệ sinh thái xe điện hoàn chỉnh.
Về mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa nhiệt độ;
đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, quy định hiện hành, máy điều hòa từ
90.000 BTU trở xuống thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, trong khi
loại trên 90.000 BTU thì không chịu thuế. Điều này đang gây nhiều tranh luận
do tính chất mặt hàng đã thay đổi, . máy điều hòa nhiệt độ ngày
nay không còn là hàng xa xỉ, mà đã trở thành nhu cầu phổ biến, thiết yếu
cho đời sống người dân ở cả đô thị và nông thôn - đặc biệt trong bối cảnh biến
đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng cao. Mức thuế hiện tại vì vậy mang tính chất đánh
vào người tiêu dùng phổ thông, không đúng tinh thần đánh vào hàng xa xỉ hoặc có
hại.
Do vậy, đại biểu đề xuất bãi bỏ hoặc thu hẹp đối tượng điều
hòa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó loại bỏ điều hòa nhiệt độ dân dụng
dưới 90.000 BTU ra khỏi danh mục chịu thuế và chỉ nên áp thuế với các hệ thống
điều hòa công suất cực lớn. Bên cạnh đó cần khuyến khích tiết kiệm năng lượng
qua biện pháp khác bên cạnh việc đánh thuế như siết chặt tiêu chuẩn
hiệu suất năng lượng đối với điều hòa và tuyên truyền người dân sử dụng tiết
kiệm điện, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ...
Đối với xăng và các nhiên liệu truyền thống, theo đại biểu
Trần Văn Khải đây là hàng hóa thiết yếu cho giao thông, sản xuất, người
dân khó có thể giảm tiêu dùng đột ngột mặc dù biết tác hại môi trường.
Việc xăng chịu đồng thời cả thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường tạo
gánh nặng thuế chồng thuế lên người dân. Trong khi đó, mức chênh lệch thuế giữa
xăng sinh học và xăng khoáng hiện nay chưa đủ lớn để kích thích người tiêu
dùng có động lực rõ ràng để chuyển đổi sang nhiên liệu sạch.
Do đo, đại biểu đề xuất cần nghiên cứu cơ cấu lại chính sách
thuế với xăng dầu, cân nhắc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng
trong dài hạn, thay vào đó tăng dần thuế bảo vệ môi trường hoặc các cơ chế định
giá phát thải carbon. Đồng thời cần tăng cường các biện pháp ưu đãi cho nhiên
liệu sạch, năng lượng tái tạo nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất
và người dân sử dụng; đảm bảo nguồn cung nhiên liệu sinh học trong nước đáp
ứng nhu cầu khi tiêu dùng tăng lên. Bên cạnh đó cần thực hiện các giải pháp khuyến
khích chuyển đổi sang phương tiện sạch, ưu tiên đầu tư hạ tầng sạc điện,
trạm nhiên liệu sạch, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, logistics đổi mới
phương tiện.../.