Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh tại sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tiếp tục
chương trình giám sát năm 2024, chiều ngày 24/6/2024, Đoàn giám sát của Thường
trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát tại sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc
thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ
xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đặng Thanh Sơn, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ
tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc; Tham
gia đoàn có đồng chí Bùi Văn Hoàng, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND
tỉnh; Lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; đại diện Lãnh đạo: Sở Tài chính, Văn
phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, Văn phòng UBND tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo đơn vị đã báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội
đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, các
huyện, thị xã, thành phố hiện đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên cho
41.172 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, bao gồm: trẻ mồ côi không nơi
nuôi dưỡng; trẻ từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, học nghề, trung học
chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người đơn
thân đang nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật... Việc
thực hiện công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đúng đối
tượng; chế độ trợ cấp được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số
17/2021/NQ-HĐND ngày 14/10/2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã
hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hà
Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 13/7/2021
của HĐND tỉnh quy định mức trợ cấp, mức hỗ trợ, mức đóng góp đối với các đối
tượng bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập; Trung
tâm điều trị cai nghiện ma tuý và phục hồi chức năng tâm thần, Trung tâm công
tác xã hội đã tổ chức tiếp nhận và nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội đảm bảo
đúng đối tượng, việc thực hiện các nội dung về mức trợ cấp, mức hỗ trợ, mức
đóng góp theo đúng quy định tại Nghị quyết.
Thành viên đoàn giám sát
trao đổi tại buổi làm việc
Tại buổi làm
việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
làm rõ một số nội dung như trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc hướng
dẫn, tập huấn sử dụng phần mềm để quản lý, rà soát các đối tượng bảo trợ xã hội
của cán bộ chuyên môn cấp huyện và cấp xã; những khó khăn trong quy trình lập hồ
sơ xét duyệt các đối tượng được hưởng trợ cấp và việc theo dõi, quản lý các đối
tượng sau khi được hưởng trợ cấp; những
vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong quá trình triển khai thực hiện
chính sách trợ giúp xã hội...
Lãnh đạo đơn vị giải trình và tiếp thu tại buổi làm việc
Đại diện Lãnh
đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội đã tiếp thu và giải trình những
nội dung đã được nêu tại buổi giám sát trong đó có những nội dung liên quan đến
trách nhiệm của đơn vị trong việc thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh
quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội.
Đồng chí Đặng Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, |
Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận |
Phát
biểu kết luận, đồng chí Đặng Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường
trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã ghi nhận những kết quả đã đạt được của đơn vị trong triển khai thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội
đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm
công tác bảo trợ xã hội ở cơ sở nhằm tạo thuận lợi cho các đối tượng được hưởng
chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời giúp đỡ, động viên về vật chất và
tinh thần cho đối tượng bảo trợ xã hội;
phát huy dân chủ, công khai ở cơ sở để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong
lĩnh vực bảo trợ xã hội; thường xuyên kiểm tra việc xét duyệt các đối tượng được
hưởng chính sách bảo trợ xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm chính sách;
tăng cường cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc
quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội... Đối với những khó khăn, vướng mắc
và kiến nghị, đề xuất tại buổi giám sát, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ, để
nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.