Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật
Sáng ngày 10/01/2022, Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội
thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác
công tư, Luật Đầu tư,
Luật Đấu thầu, Luật điện lực, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật
Thi hành án dân sự. Tham
dự tại điểm cầu Hà Nam có: các vị
ĐBQH tỉnh; Lãnh đạo các sở: Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính, Công thương; Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Tham gia thảo luận trực tuyến, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng,
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cơ bản nhất trí với Tờ trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương
thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật điện lực, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu
thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Nhất trí về sự
cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo
gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để
thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể
chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Đồng chí Phạm
Hùng Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
tham gia thảo luận tại phiên thảo luận trực tuyến tại
hội trường
Từ thực
tiễn tại địa phương, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH
tỉnh Hà Nam có một số
ý kiến đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét,
cụ thể như sau:
Thứ
nhất, Đối với Luật Đầu tư: Về phân cấp
thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội
nghiên cứu sửa đổi, bổ sung việc phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền
chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu
công nghiệp có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha. Theo đó: sửa đổi điểm h khoản 1
Điều 31 là: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp,
khu chế xuất có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên (thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) và bổ sung 1 điểm, sau điểm
b của Điều 32 đó là: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu
công nghiệp, khu chế xuất có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha; hoặc theo hướng
phân quyền hoàn toàn cho địa phương (không
quy định hạn mức) như vậy sẽ tạo quyền chủ động cho địa phương, rút ngắn thời
gian thực hiện, không bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư.
Và để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, đề nghị
Quốc hội sớm sửa đổi quy định của Luật Đất đai năm 2013: phân cấp cho Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất dưới 50 ha đất lúa.
Thứ
hai, Đối với Luật Đầu tư công: Về đối tượng đầu tư công: Đề
nghị nghiên cứu điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng dự án được tách riêng dự
án độc lập việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi
một số nội dung trong thực tế thực hiện còn gặp vướng mắc như sau:
Đối với dự án cấp bách: Theo quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư
công quy định về trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án khẩn cấp, gồm:
lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy
nhiên theo quy định pháp luật về Xây dựng (Quy định tại Điều 58 Nghị định
15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ) về quản lý đầu tư xây dựng công
trình khẩn cấp: người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự
quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng từ khảo sát, thiết
kế và thi công xây dựng. Như vậy, chưa có sự thống nhất giữa: Luật Đầu tư công
và pháp luật về xây dựng quy định về dự án cấp bách.
Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư: Theo quy định tại
khoản 1 Điều 34 của Luật Đầu tư công 2019, cấp nào quyết định chủ trương đầu tư
chương trình, dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư
chương trình, dự án đó. Hiện nay, chưa có quy định hướng dẫn điều chỉnh chủ
trương đầu tư đối với trường hợp thay đổi thẩm quyền quyết định chủ trương đầu
tư giữa Luật 2014 và Luật 2019 (Luật Đầu tư công năm
2014 quy định dự án nhóm A do địa phương quản lý thuộc thẩm quyền Thủ tướng
Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;
Luật Đầu tư công năm 2019 quy định thẩm quyền là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh). Tỉnh Hà Nam đang vướng trong việc điều chỉnh chủ
trương đầu tư đối với dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu Du lịch Tam Chúc.
Thứ ba, Đối với nội dung liên
quan đến Luật Đấu thầu: Hiện
nay, việc triển khai đấu thầu qua mạng đã góp phần tăng tính minh bạch, khách
quan trong lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, các trường hợp lợi dụng để cản trở làm
chậm quá trình đấu thầu, một số hành vi gian lận chưa có chế tài xử phạt chưa đủ
tính răn đe; nhà thầu vi phạm pháp luật mới chỉ bị cấm thầu trong phạm vi quản
lý của người ra quyết định cấm, chưa liên kết toàn quốc. Đề nghị: Bổ sung quy định
rõ việc đưa danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc
gia; có chế tài đủ mạnh như: quy định số lần vi phạm ở các địa phương sẽ bị cấm
toàn quốc, trừ điểm khi đánh giá…
Tiếp đó, thành
viên của Chính phủ có liên quan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại
biểu Quốc hội nêu.