Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng ngày 21/8/2024, dưới
sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch Quốc hội
Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội tổ chức chất vấn và
trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về
giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến hết năm
2023 đối với nhóm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công thương; Văn
hoá, thể thao và du lịch. Phiên họp được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng, Nhà
Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương.
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh
Hà Nam.
Dự tại điểm cầu
Hà Nam có các đồng chí: Phạm Hùng Thắng,
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Văn Hoàng, Tỉnh ủy
viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị ĐBQH trong đoàn ĐBQH tỉnh công tác
tại địa phương;
đại diện lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo
các sở, ngành liên quan; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh.
Đồng chí Trần
Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội phát biểu
khai mạc phiên chất vấn
Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn,
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch quốc hội
đã nêu: “Đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ
Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát
lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám
sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội; qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng
mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời,
nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng
thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ
trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội
đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Các
vấn đề, lĩnh vực Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề, chất vấn đều là
những nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm nhiều. Qua các báo
cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến
tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành, góp phần thúc
đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và công tác đối
ngoại; tuy nhiên, một số nội dung triển khai còn chậm, có nội dung hiệu quả,
kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu.”
Ngay sau khi khai mạc, trong phiên
họp buổi sáng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối
với nhóm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông
thôn; công thương; văn hoá, thể thao và du lịch.
Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh |
tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại phiên họp |
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị Bộ
trưởng làm rõ các giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm có chính sách hỗ trợ
sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản
Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu cụ
thể những giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm hoàn thiện chính sách pháp luật
về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sở hữu độc quyền, nhãn hiệu sản phẩm nông
sản chủ lực của Việt Nam.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
phát biểu tại phiên họp |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Hùng Thắng, Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương mở cửa thị
trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến nước
ngoài; đồng thời yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn
đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.
Nhấn mạnh các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ
trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ
nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả các
tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn. Chúng ta không thể nói vấn đề
tiêu thụ thị trường nếu hàng hóa của chúng ta không chuẩn được các tiêu chuẩn của
thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi.
Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta.
Đặc biệt, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung,
liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh
mún của nền nông nghiệp. Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở
thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa
phương quan tâm hơn nữa. Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những
chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa
phương cũng cần quyết liệt.
Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng
miền cũng là một kênh để chúng ta tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị
cho nông sản địa phương theo từng cấp độ. Đến nay chúng ta đã có hơn 13.000 sản
phẩm Ocop. Nếu chúng ta thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường,
đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho bà con nông dân.
Đối với vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, Bộ cũng
đang nghiên cứu sâu về vấn đề này vì nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia
tăng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định. Cụ thể chưa có Nghị
quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu. Bên cạnh
đó, vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. Trong đó nhãn hiệu
xây dựng và bảo hộ dễ hơn, nhưng thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng về
chất lượng, tiêu chuẩn, độ đồng đều đối với một sản phẩm nào đó. Do đó, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng
thương hiệu của nông sản. Muốn vậy chúng ta phải có vùng nguyên liệu tập trung
để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết
chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đầu giờ chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục
chất vấn và trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển
nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời chuyển sang nội
dung thứ hai đối với các lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã
hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát./.