Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

         Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 04/11/2022, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường về Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Thông tin & Truyền thông và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực Nội vụ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên

chất vấn và trả lời chất vấn

         Phát biểu mở đầu phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề Nội vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quan Phương đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào những nội dung trọng tâm như:

         Một là, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.

         Hai là, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.

        Ba là, nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.

       Bốn là, giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

        Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, những năm qua thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách và phối hợp triển khai đồng bộ toàn diện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành liên quan tới tất cả các bộ ngành địa phương, nhất là về tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ đã đạt được kết quả bước đầu. Bộ trưởng cũng chia sẻ, ngành nội vụ còn rất nhiều việc phải đổi mới, hoàn thiện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Quốc hội và của cử tri cả nước.

        Bộ trưởng cho rằng được chọn chất vấn tại kỳ họp là cơ hội để lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội - đại diện cho tiếng nói của cử tri và được tiếp thu, giải trình những vấn đề lớn mà đại biểu và cử tri quan tâm để ngành tiếp tục khắc phục khó khăn, hạn chế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. 

Đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam chất vấn tại kỳ họp

        Tham gia chất vấn tại kỳ họp, đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết: Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, trong đó yêu cầu giai đoạn 2022-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng có những giải pháp nào để đạt được mục tiêu tinh giản biên chế theo Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị?

        Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hiền, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ cho biết: để thực hiện thành công mục tiêu tại Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn 2022-2026. Trong thời gian tới Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn

          - Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quy định về định mức biên chế công chức, viên chức; về hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và ĐVSNCL,... để làm cơ sở cho Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

- Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, ĐVSNCL, ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo chủ trương của Bộ Chính trị và lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2022 - 2025; đổi mới việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động và chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước.

- Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp; đồng thời hoàn thiện chính sách xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện xã hội hóa, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

  Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập