Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Tiếp tục Chương trình Kỳ
họp thứ 7, ngày 30/5/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc
hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội xem xét báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Báo cáo
kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến
khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc
phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang
Phương điều hành phiên họp.
Đoàn ĐBQH
tỉnh Hà Nam tại phiên thảo luận
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm
Hùng Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội
tỉnh đánh giá cao cơ quan
soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã rất khẩn trương, tích cực, trách nhiệm tiếp thu
khá đầy đủ các ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Phạm Hùng
Thắng nhất trí cao với bố cục và các nội dung đã được chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động
viên công nghiệp. Để góp phần hoàn thiện
Dự thảo Luật, đại biểu có một số ý kiến đóng góp thêm đối với quy định tại Điều
23 (Hoạt động đầu tư, sản xuất công
nghiệp, quốc phòng, an ninh ).
Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, |
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường |
Đại biểu cho rằng: Hoạt động đầu tư, sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ yếu được triển khai thực hiện từ ngân sách
nhà nước hoặc do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện; theo quy định thì các hoạt động này phải tuân
thủ theo Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, do lĩnh vực này có nhiều tính chất đặc thù, đó
là: phải đảm bảo bí mật nhà nước; cần triển
khai khẩn cấp để đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; nhiều dự án
có kỹ thuật - công nghệ phức tạp phải thực hiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ
từ đối tác nước ngoài,... nên việc áp dụng theo các quy định của Luật Đầu tư
công và Luật Đấu thầu sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất, đối với
các chương trình, dự án nội dung được xác định có độ “Tối mật” trở lên,
nếu gói thầu thuộc chương trình này thực hiện đấu thầu rộng rãi thì khó mà đảm
bảo được bí mật Nhà nước. Do đó, các chương trình, dự án này theo đại biểu cũng
nên cho phép thực hiện chỉ định thầu.
Thứ hai, đối với
những chương trình, dự án đầu tư rất đặc thù như: nghiên cứu,
sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật
nghiệp vụ đặc biệt; vũ khí, phương tiện có tầm quan trọng đặc biệt để
thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; việc đầu tư dự án này theo đại
biểu cần phải tiến hành
khẩn trương, để đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Do đó,
trong dự thảo Luật đề xuất thực hiện theo trình tự, thủ tục đầu tư công khẩn
cấp, đại biểu cho là hợp lý để rút ngắn thời gian và phù hợp với đặc thù của
các dự án này.
Thứ ba, đối với các
dự án đầu tư tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài; để việc lập dự án được sát với thực tế, tránh trường
hợp phải phê duyệt lại quyết định đầu tư, theo đại biểu việc quy định cho phép đàm phán
và ký hợp đồng đối với đối tác trong bước phê duyệt chủ trương đầu tư như quy
định tại khoản 4 Điều 23 dự thảo Luật là phù hợp (không trái với quy định của Luật Đầu tư công). Tuy nhiên, cần phải
chú ý đến thời điểm có hiệu lực của hợp đồng ký kết, thời điểm sau khi đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư, bởi khi đó mới được cấp kinh phí
thực hiện hợp đồng.
Thứ tư, về việc quy định Hội đồng thẩm
định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các chương trình, dự án do Thủ
tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư (dự án nhóm A) liên quan đến vũ
khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc
biệt. Đại biểu cho rằng, đây là những dự án có các hạng mục đầu tư mang tính
đặc thù, theo chiến lược trang bị của lực lượng vũ trang, là những thông tin
“Tối mật”, cũng như có độ phức tạp cao về kỹ thuật - công nghệ.
Do đó, đại biểu tán thành với việc quy định giao cho Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định
các dự án thuộc lĩnh vực quản lý như đã được quy định tại khoản 5
Điều 23, Dự án Luật.
Ngoài các vấn đề trên, qua nghiên cứu đặc thù của các dự án,
chương trình trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh tại Luật
này và quy định về các dự án nhóm A của Luật Đầu tư công, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát danh mục dự án nhóm
A tại Luật Đầu tư công, đối chiếu với các dự án thực tế triển khai để đề
xuất điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn, dự án sản xuất chất
nổ là dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư, nhưng trong thực tế, có
nhiều dự án sản xuất thuốc nổ nhưng quy mô nhỏ hoặc chỉ cải tạo, nâng cấp dây
chuyền sẵn có, nhưng theo quy định đều là dự án nhóm A, trình Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, điều này sẽ triển khai các thủ tục đầu tư lâu
hơn. Do vậy, đối với những dự án
sản xuất thuốc nổ có quy mô, tổng mức đầu tư không lớn thì nên xếp vào dự
án nhóm B hoặc nhóm C và giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt chủ
trương đầu tư.
Tại phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp
giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.