Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày
29/5/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn,
Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm
2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới
năm 2023;
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và nhiều nội dung
quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại
phiên họp
Phát biểu thảo luận tại hội trường,
đại biểu Phạm Hùng Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội khác bày tỏ sự
đồng tình cao với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 của
Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, |
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận |
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội những tháng đầu năm 2024, đại biểu Phạm Hùng Thắng nêu rõ, trong bối
cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống
chính trị; những tháng đầu năm, đất nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng:
kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng kinh tế
phục hồi tích cực. Nhìn lại một năm trước, GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32% - mức
tăng thấp so với cùng kì nhiều năm thì GDP quý I/2024 ước tăng 5,66% - cao nhất
từ 2022 đến nay. Với kết quả này, đại biểu bày tỏ tin tưởng và hy vọng rằng năm
2024 tăng trưởng sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm,
đó là kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mục tiêu tăng
trưởng còn nhiều thách thức; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; tiến
độ giải ngân tuy có cao hơn cùng kỳ song vẫn còn chậm; thị trường bất động sản
khó khăn; tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên, thiếu thuốc, vật tư
y tế ở các cơ sở y tế vẫn diễn ra; công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS
còn nhiều khó khăn, bất cập; chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công chậm được
ban hành… Những vấn đề này cần được Chính phủ quan tâm chỉ đạo và sớm có giải
pháp khắc phục.
Bày tỏ cơ bản nhất trí với 11 nhóm nhiệm vụ giải
pháp chủ yếu mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo, đại biểu Phạm Hùng Thắng cũng đề
nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đối với một số vấn đề: tiếp tục triển khai
thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật; đẩy mạnh phân cấp,
phân quyền cho chính quyền địa phương.
Đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả giải
pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có cơ chế tháo gỡ
để tách dự án giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng khi thực hiện dự án đầu
tư công. Tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm nguồn
cung ứng, không để tăng giá đột biến những loại hình dịch vụ và mặt hàng thiết
yếu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện, sớm ban hành cơ chế mua bán điện
trực tiếp, quy định về điện áp mái. Có cơ chế thu hút nguồn lực, xã hội hóa đầu
tư cho giáo dục, y tế. Tập trung xử lý khó khăn về mặt pháp lý, bố trí nguồn lực
đầu tư để dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam sớm
đi vào hoạt động; chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm
môi trường sông Nhuệ, sông Đáy.
Theo chương trình làm việc, vào cuối phiên thảo
luận, một Phó Thủ tướng Chính phủ và một Bộ trưởng sẽ phát biểu tiếp thu, giải
trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm./.