Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 22/11/2024, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Tổ 18 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hoá, Trà Vinh. 

anh tin bai
 Đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội,
  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia ý kiến

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ( sửa đổi), đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, công phu, cơ bản bảo đảm chất lượng, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, phù hợp với mục tiêu, định hướng trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN. Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát dự án Luật để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định của các điều, khoản trong Luật này với nhau tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo. Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, đại biểu có một số ý kiến cụ thể đối như sau:

Về đối tượng chịu thuế (Điều 2), liên quan đến danh mục hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế: Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, không thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ vì hiện nay, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây; trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ thu thuế TTĐB đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế và không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân. Đối với mặt hàng xăng dầu, đại biểu cho rằng: mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường; xăng không phải mặt hàng xa xỉ, do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này. 

anh tin bai
 Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam
 phát biểu ý kiến

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ( sửa đổi), đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ( sửa đổi), đại biểu Phạm Hùng Thắng tham gia một số ý kiến cụ thể đối   với dự án Luật như sau:

  - Khoản 1, Điều 6 của Dự thảo Luật bổ sung quy định trao quyền cho cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế khi giá bán của hàng hoá, dịch vụ không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường theo pháp luật về quản lý thuế. Quy định này dùng để chống lại hành vi “chuyển giá” đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là doanh nghiệp cố tình kê khai giá tính thuế đối với hàng hoá, dịch vụ thấp hơn so với giá trị giao dịch thật nhằm giảm nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, quy định này chưa bảo đảm tính minh bạch do chưa làm rõ khái niệm “giá giao dịch thông thường trên thị trường” cũng như công thức để tính toán giá tính thuế ấn định. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ ý để tránh gây ra tranh cãi giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế.

- Tại mục I, điểm 1, Điều 8 ( thuế suất) Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu đề xuất Đối với mặt hàng Thuốc lá áp dụng mức thuế tuyệt đối theo lộ trình phương án 2 trong dự thảo Luật. Đối với mặt hàng Rượu, bia: thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện hành đối với Rượu từ 20 độ trở lên là 65%; Rượu dưới 20 độ là 35%; Bia là 65%, đề nghị tăng mức thuế suất theo lộ trình phương án 2 trong dự thảo Luật.

- Đại biểu đề xuất bổ sung vào điểm 4đ, Điều 8 dự thảo Luật: Dòng xe điện Hybid (HEV-Hybrid Electric Vehicle) được hưởng ưu đãi thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu (ICE – Internal Combustion Engine) cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d của Biểu thuế tại Điều 8 luật này và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dòngxe  Hybrid sạc ngoài –PHEV( Plug-in-Hybrid Electric Vehicle) bằng 50 % (hiện tại là 70%) so với xe động cơ đốt trong xe ICE ( Internal Combustion Engine) cùng loại.

- Về quy định nước giải khát có đường là mặt hàng mới được bổ sung vào diện chịu thuế với thuế suất dự kiến 10%. Việc bổ sung đối tượng chịu thuế mới sẽ có tác động rất lớn và rất nghiêm trọng tới sự phát triển của doanh nghiệp ngành hàng này vì vậy cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, đại biểu đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc, đồng thời có đánh giá kỹ hơn về tác động, biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường... 

anh tin bai
 Đại biểu Trần Thị Hiền, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam
 phát biểu ý kiến

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ( sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hiền, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống chuyển giá, chống trốn thuế, thất thu thuế, đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, từ tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế. Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Trần Thị Hiền tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

- Đề nghị bổ sung thêm cụm từ đối với doanh nghiệp theo quy định của quản lý thuế vào khoản 2, Điều 5, theo đó khoản 2 điều 5 sẽ thành: 2. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài được quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 2 của Luật này và đối với doanh nghiệp theo quy định của quản lý thuế.”

- Tại điểm m, khoản 2, Điều 9 Dự thảo Luật quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: “Khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế…”.  Trên thực tế, nảy sinh tình huống doanh nghiệp bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư hoặc đã bỏ tiền đầu tư dự án kinh doanh. Tuy nhiên, do các lý do khách quan, dự án gặp rủi ro và doanh nghiệp không có doanh thu từ dự án đó (doanh nghiệp vẫn có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác). Trong những trường hợp như vậy, cơ quan thuế thường căn cứ vào quy định “khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế” để loại bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí đã đầu tư của dự án gặp rủi ro. Điều này là bất hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp. Rủi ro không có doanh thu là điều không một doanh nghiệp nào mong muốn, nhưng đó là một phần tất yếu của hoạt động đầu tư kinh doanh. Nếu không cho phép tính chi phí được trừ trong trường hợp này sẽ khiến các doanh nghiệp ngần ngại khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án mới có rủi ro cao, các dự án đầu tư mạo hiểm, mô hình kinh doanh mới, hoặc các hoạt động đổi mới sáng tạo. Trong khi đây lại là những lĩnh vực, hoạt động mang lại động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các loại chi phí liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư các dự án mới nhưng sau đó gặp rủi ro dẫn đến không có doanh thu vào diện chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định, để các khoản chi nhằm giảm phát thải khí nhà kính được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện nay, các khoản chi của Doanh nghiệp để thực hiện hiện các hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP và các văn bản khác (ví dụ trồng cây xanh, trồng rừng..) hiện chưa được ghi nhận là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại Điều 12, dự thảo luật Thuế không quy định KCN là địa bàn ưu đãi thuế TNDN. Tuy nhiên, theo khoản 2, Điều 16 Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP thì Khu công nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư (gồm ưu đãi về thuế..).Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, rà soát lại quy định về ưu đãi cho dự án đầu tư trong Khu công nghiệp để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản.

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ( sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hiền, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết dự thảo luật đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5mg/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10%. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét tác động của đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường đối với lợi ích của người tiêu dùng. Đại biểu cho rằng Việt Nam là đất nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, nhu cầu giải khát của người dân là rất lớn. Trong đó, có một phần đáng kể là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp. Đối với nhóm đối tượng này, cũng như người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa …nhu cầu sử dụng các thực phẩm ngọt khá phổ biến, đặc biệt là các gia đình sống ở khu vực miền Trung và miền Nam.

- Về thuế TTĐB đối với rượu, bia (Điều 8) , dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) hiện đưa ra hai phương án cho lộ trình tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia. Theo phương án cơ quan soạn thảo  đề xuất áp dụng, mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên và bia chịu mức thuế suất tăng dần từ năm 2026, lên tới 100% vào năm 2030. Tương tự, rượu dưới 20 độ chịu thuế suất 70% vào năm 2030. Mục tiêu giảm tiêu thụ rượu, bia nhằm bảo vệ sức khỏe người dân là cực kỳ cần thiết, tuy nhiên để hiện thực hóa mục tiêu này thông qua chính sách thuế thì cần thiết phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá sâu rộng, không chỉ thuần túy dựa vào khuyến nghị của tổ chức quốc tế để xây dựng Luật. Do đó, đề nghị phía cơ quan soạn thảo có đánh giá tác động cụ thể hơn trước khi đề xuất bất kỳ mức tăng thuế và lộ trình tăng như thế nào…

Tại phiên họp buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập