Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận về dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Sáng
23/11/2023, tiếp tục chương trình kỳ họp, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật
Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
điều hành phiên họp
Phát biểu tại
phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TrầnThanh Mẫn nêu rõ: tại Kỳ
họp thứ 6, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án luật Bảo hiểm xã
hội (sửa đổi) và tiến hành thảo luận tại Tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã có
báo cáo tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ về dự án luật này. Phó Chủ tịch
Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận đối với
7 vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra, đặc biệt về Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm
xã hội, về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quản lý, thu
Quỹ bảo hiểm xã hội, thẩm quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội, điều kiện, thời
gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, xác định hành vi trốn
đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên
họp
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần
Thị Hiền, đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tán thành với nhiều nội dung
trong báo cáo thẩm tra đối với dự thảo Luật, nhằm hoàn thiện dự án Luật, Đại biểu có một số ý kiến như
sau:
Về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt
buộc, dự thảo luật đã có những quy định để mở rộng đối tượng tham gia theo tinh
thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung
ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019; trong đó có
nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở
lên thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, đại biểu thấy rằng
quá trình triển khai trên thực tế cần có những điều chỉnh và có thể cân nhắc để
bảo đảm tính khả thi khi quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
bắt buộc. Đại biểu cho biết: đối với nhiều dự án ở các vùng sâu, vùng xa, nơi
có ít nhà máy, công ty, ít có điều kiện để có thể người lao động làm việc dài
hạn; khi triển khai dự án, người sử
dụng lao động phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định
phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ; mặt khác, việc tham gia lao động cũng trên cơ
sở ở mức lương không cao do chủ yếu làm các công việc đơn giản, hoạt động chân
tay từ 3 đến 6 tháng; khi dự án kết thúc, người lao động lại quay trở về với
công việc đồng áng thường ngày ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị
trường lao động để có thể đóng bảo hiểm xã hội, kể cả là tham gia bảo hiểm tự nguyện. Do đó, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để có thể
phân loại và quy định thêm một số điều kiện để cho phép trong một số trường hợp cụ
thể nên trao quyền cho người lao động được lựa chọn việc nhận tiền công bao gồm
cả phần bảo hiểm xã hội để thu nhập được tốt hơn, thay vì phải đóng bảo hiểm xã
hội bắt buộc.
Đại biểu Trần Thị Hiền, đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam |
phát biểu tại buổi thảo luận |
Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nghị quyết 28-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định mục tiêu cải cách chính sách
bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là trụ cột chính của hệ thống an
sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng
tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia
bảo hiểm xã hội bắt buộc, chúng ta đang tập trung vận động toàn dân tham gia
bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do đó Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có giải pháp cụ thể hóa những định
hướng, mở rộng độ bao phủ và nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội ngắn
hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng quyền lợi của người
tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn có phần hạn chế so với người tham gia
bảo hiểm xã hội bắt buộc, để người dân lựa chọn tham gia tự nguyện sẽ bền vững
hơn, từng bước đáp ứng mục tiêu mở rộng độ bao phủ, tiến tới bảo hiểm xã hội
toàn dân. Chính từ điều này, Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần tính đến hướng
mở rộng đối tượng và thiết kế chính sách đa tầng trong bảo hiểm xã hội bắt buộc
cần quan tâm đến bảo hiểm xã hội tự nguyện đa tầng, cần cân đối phù hợp các
chính sách, giữa các hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự
nguyện, có gói dịch vụ phù hợp để khuyến khích người dân chủ động hơn tham gia
bảo hiểm xã hội.