Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thảo luận tại tổ đối với dự án Luật đấu thầu ( sửa đổi) và Luật Giá ( sửa đổi )
Chiều
ngày 07/11/2022, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV,
Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đối với dự án Luật đấu thầu ( sửa đổi) và
Luật Giá ( sửa đổi ). Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại
tổ với các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ.
Đại biểu Lê Thị Nga, Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam
phát biểu thảo luận tại tổ
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội trong
tổ tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy
đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập
của Luật hiện hành; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại
biểu Lê Thị Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam có một số ý kiến:
+ Về sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp
luật, Luật Đấu thầu liên quan đến rất nhiều luật, đại biểu đề nghị Chính phủ rà
soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Về tên gọi,
đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Đấu thầu, vì luật đã sử dụng ổn
định và phù hợp với phạm vi điều chỉnh.
+ Về đảm bảo
tính cạnh tranh trong đấu thầu, Khoản 1, Khoản 2, Điều 6 dự thảo quy định “nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp
lý và độc lập về tài chính”. Tuy nhiên, tại Khoản 4 điều này quy định “nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp
ứng yêu cầu quy định tại Khoản 2 điều này”. Đại biểu nhận thấy cân nhắc bỏ
quy định tại Khoản 4, Điều 6, đảm bảo tính thống nhất, tránh việc ưu đãi quá
mức cho chỉ định thầu, hạn chế tính công khai, minh bạch.
+
Về đấu thầu quốc tế ( Điều 11), đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về
mua sắm tập trung theo hướng cho phép áp dụng các hình thức khác ngoài hình
thức đấu thầu rộng rãi có thể lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu, nhằm tăng
tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
+ Tại Điểm
b, khoản 1, Điều 11 quy định gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn “mà người có thẩm
quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài để nâng cao chất
lượng của gói thầu, dự án”. Quy định như vậy chưa rõ ràng; Đề nghị làm rõ khái
niệm là “trường hợp cần có sự tham gia”; đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm
của người có thẩm quyền khi quyết định nội dung này.
+ Về chỉ định thầu ở (Điều 21),
dự thảo luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu, đại biểu nhận thấy so với
luật hiện hành thì dự thảo luật đã mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình
thức chỉ định thầu. Việc mở rộng chỉ định thầu như vậy là chưa phù hợp với mục
tiêu nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế đã đề ra
trong mục đích của sửa đổi luật lần này.
Đại biểu đề nghị cần giới hạn
việc áp dụng chỉ định thầu, chỉ cân nhắc đối với các trường hợp đặc thù: dự án
cấp bách; đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đấu thầu mua sắm
thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, phòng, chống dịch bệnh
trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu
đồng bộ về công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm, mua bán quyền sở hữu trí tuệ. Đại
biểu đề nghị Chính phủ rà soát 10 trường hợp chỉ định thầu ghi trong dự thảo
Luật, rà soát từng trường hợp cụ thể, đánh giá tác động để đảm bảo mục tiêu,
yêu cầu của việc sửa đổi luật, tránh việc lạm dụng chỉ định thầu tràn lan.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Đoàn đại biểu
Quốc hội tỉnh Hà Nam có một số ý kiến:
* Đối với dự án Luật Đấu thầu ( sửa đổi):
+ Điều 4 dự thảo luật về giải thích từ ngữ, việc giải thích từ ngữ
tại Khoản 4 và Khoản 5 theo phương pháp liệt kê có thể dẫn tới không quy định
đầy đủ nội dung. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu giải
thích theo hướng vừa nêu đặc điểm, tính chất, bản chất từ ngữ cần giải thích
vừa liệt kê một số loại hình phù hợp, bao quát đầy đủ hơn. Đồng thời nghiên cứu
bổ sung nội dung giải thích từ ngữ đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể,
dự án đầu tư, dự toán mua sắm để thuận lợi cho quá trình áp dụng luật.
+ Nhiều quy định của dự thảo
luật chưa rõ ràng, quy định về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị cơ quan
soạn thảo rà soát, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến liên quan, chỉnh lý
dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo luật, quy định được cụ thể,
rõ ràng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là mục
tiêu lớn trong sửa đổi luật, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ quy
định hiện hành; đồng thời bảo đảm quá trình thực thi pháp luật minh bạch, tránh
lợi dụng chính sách, hiểu không thống nhất, gây khó khăn, làm giảm tính nghiêm
minh của pháp luật khi xử lý vi phạm.
+ Tại Điều 16 về các hành vi cấm trong hoạt động đấu thầu, bên cạnh
việc mô tả cụ thể các hành vi cần có nội dung khái quát, xác định bản chất,
tính chất về hành vi vi phạm, tránh bỏ lọt các hành vi vi phạm do cách thức mô
tả liệt kê có thể chưa đầy đủ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà
soát các quy định, bao quát đầy đủ hành vi cấm trong hoạt động đấu thầu.
+ Tại Khoản 3, Điều 23 dự thảo luật về mua sắm trực tiếp quy định:
“trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng
trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì
được áp dụng mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác, nếu nhà thầu đó đáp ứng
các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm kỹ thuật và giá theo hồ sơ mời thầu và kết
quả lựa chọn nhà thầu trước đó”. Việc quy định như vậy rất khó để xác định
trường hợp khác, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ trường hợp khác là các
trường hợp là các nhà thầu đã tham gia đấu thầu và đáp ứng được các yêu cầu về
năng lực, kinh nghiệm kỹ thuật hay các nhà thầu bất kỳ được đánh giá, đánh giá
đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm kỹ thuật để thuận lợi cho quá
trình áp dụng luật.
+ Tại khoản 6, Điều 41 về nội dung hồ sơ mời thầu, đề nghị nghiên
cứu quy định cụ thể, để bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo luật. Vì tại
Khoản 6 quy định trường hợp hồ sơ mời thầu có nội dung vi phạm quy định tại
Khoản 2 điều này, sẽ bị coi là vô hiệu, nhưng không quy định cụ thể cơ quan, tổ
chức, người có thẩm quyền quyết định hoặc xác định hồ sơ mời thầu là vô hiệu.
Đại
biểu Nguyễn Quốc Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam
phát biểu tại tổ thảo luận
* Về Luật giá sửa đổi giá.
+ Tại Điểm c Khoản 2, Điều 7 về các hành vi
nghiêm cấm quy định lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, dịch
bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng
hóa, dịch vụ bất hợp lý, chưa rõ ràng. Đại biểu cho rằng việc xác định như thế
này là bất hợp lý, còn chung chung, định tính, đại biểu cho rằng, cần quy định
cụ thể mức độ tăng giá hàng hóa, dịch vụ cao hơn thị trường là bao nhiêu % thì
được coi là bất hợp lý để thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật.
+ Tại Điều 45 quy định hội nghề nghiệp về thẩm
định giá, đề nghị cân nhắc quy định nội dung này trên cơ sở đánh giá tác động,
xác định vai trò, vị trí, quyền hạn của Hiệp hội này cho cụ thể hơn.
+ Đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật
các quy định về kiểm tra, giám sát, kết quả thẩm định giá và quy định về kiểm
tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm,
để nâng cao hiệu quả công tác thẩm định giá, tăng cường hiệu lực thực thi pháp
luật về giá.
+ Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước
định giá, ban hành kèm theo dự thảo Luật sửa đổi: về hàng hóa, dịch vụ phục vụ
nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị,
doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất (tại
thứ tự 28, cột thẩm quyền, hình thức định giá), đại biểu đề nghị bổ sung Bộ
Công an quyết định giá cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ an ninh cho đầy đủ và
bao quát. Đồng thời, đề nghị bổ sung dịch vụ định danh và xác thực điện tử vào
danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; thẩm quyền, hình thức định giá
do Bộ Công an quyết định về khung giá và tổ chức cung cấp dịch vụ, cho phù hợp
với quy định tại Điều 25 của dự thảo Luật sửa đổi và Nghị định số 59/2022/NĐ-CP
của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.