Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thảo luận tại Tổ đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Chiều ngày
24/5/2024, theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc
hội tiến hành thảo luận tại tổ Dự
án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Dự án Luật Quản lý, sử
dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Đoàn Đại biểu Quốc hội
tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Tổ 18 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh
Hoá và tỉnh Trà Vinh.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận tại Tổ
Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội trong tổ
nhất
trí với sự cần thiết
sửa đổi, ban hành: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật
liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Cảnh vệ với những lý do như đã nêu
tại Tờ trình của Chính phủ. Dự thảo 02 Luật này đã thể chế hóa được tương đối
đầy đủ các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, bảo đảm tính thống nhất
trong hệ thống pháp luật; hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng,
đầy đủ bảo đảm đúng quy định.
Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, |
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận |
Phát biểu tham gia ý kiến, đại biểu Phạm
Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
và công cụ hỗ trợ (sửa đổi):
- Dự thảo có quy định
về các nội dung liên quan đến giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí.
Do vậy, tại Điều 3 dự thảo về giải thích từ ngữ, đề nghị giải thích thêm một số
thuật ngữ như: giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí để đảm bảo tính
rõ ràng của văn bản nhằm tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng.
- Dự
thảo quy định về các trường hợp về vũ khí, công cụ hỗ trợ bị thu hồi, cần
nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp “Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ không đúng
mục đích”, để ngăn chặn hành vi lợi dụng, lạm dụng việc quản lý, sử dụng vũ
khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia,
trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp
pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Dự
thảo quy định trình tự thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và
giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ,
tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ trong trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh
nghiệp chủ động thực hiện giao nộp rất cụ thể. Trong khi đó, quy định về quy
trình cơ quan có thẩm quyền thu hồi trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp
không tự nguyện giao nộp chưa chi tiết. Điều này có thể gây khó khăn trong thực
tế áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo bổ
sung quy định cụ thể về: trình tự thu hồi khi tổ chức, doanh nghiệp không tự
nguyện giao nộp về: các bước thực hiện, thời gian tương ứng của từng bước.
- Dự
thảo quy định khi sửa chữa vũ khí thể thao, doanh nghiệp phải xin Giấy phép sửa
chữa vũ khí thể thao tại cơ quan Công an có thẩm quyền. Theo cơ chế quản lý quy
định tại Dự thảo, cơ quan quản lý đã cấp phép cho việc trang bị, sử dụng vũ khí
thể thao. Việc sửa chữa vũ khí thể thao không làm thay đổi số lượng, chủng
loại, tính năng vũ khí thể thao đã được cấp phép, vì vậy yêu cầu phải xin phép
cho mỗi lần sửa chữa là không cần thiết. Mặt khác, việc vũ khí thể thao sử dụng
trong tập luyện, thi đấu thể thao có thể bị hỏng, phải sửa chữa nhiều. Nếu mỗi
lần sửa chữa lại phải xin phép sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính rất
lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định cấp Giấy phép
sửa chữa vũ khí thể thao.