Sáng ngày 15/01/2024, Kỳ họp bất thường lần thứ năm,
Quốc hội khóa XV đã được khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Dưới sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch
Quốc hội Vương Đình Huệ để quyết định 04 nội dung
quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế
xã hội đất nước
Các đại biểu tham dự kỳ họp
Phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ
tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực
tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét,
quyết định những nội dung quan trọng sau: về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); về
dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); về một số cơ chế, chính sách đặc thù
đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Nghị quyết về giám sát
chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6; xem xét, cho ý kiến và quyết định một số nội dung
quan trọng, cấp thiết về tài chính.
Những nội dung được Quốc hội quyết
định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý
nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch
Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần
trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm
huyết, chất lượng để Kỳ họp hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với sự
thống nhất, đồng thuận cao. Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các
cơ quan liên quan, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện
các dự thảo luật, nghị quyết đạt chất lượng cao nhất... để Quốc hội xem xét,
quyết định.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp
Tiếp theo, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn
ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Đồng chí Vũ Hồng
Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế trình bày báo cáo tại
kỳ họp
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi), đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu
rõ, về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận
chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45), Dự thảo Luật quy định theo hướng
trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế thì cá nhân
không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có
phương án sử dụng đất trồng lúa được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt khi
nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại
khoản 1 Điều 176 (không quá 03 héc ta đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 02
héc ta đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác).
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan có thẩm
quyền chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm quản lý nghiêm ngặt khu vực đất trồng
lúa; thực hiện điều tra, đánh giá chất lượng đất trồng lúa, phòng ngừa việc hủy
hoại đất trồng lúa; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp chuyển mục đích sử dụng
đất trồng lúa sang các loại đất khác; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch,
bảo đảm tầm nhìn dài hạn; đồng thời, đặt ra yêu cầu có dữ liệu thông tin để
kiểm soát việc nhận chuyển nhượng trong hạn mức.
Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất
các cấp (khoản 9 Điều 60), để bảo đảm nguyên tắc chung của pháp luật về quy
hoạch được tuân thủ, kế thừa quy định hiện hành, những nội dung được đúc kết
qua giám sát chuyên đề của Quốc hội về quy hoạch tại Nghị quyết số
61/2022/QH15, đồng thời, bảo đảm được sự đồng bộ thống nhất, ổn định của hệ
thống quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về quản lý chặt chẽ đối với đất đai, dự thảo
Luật quy định theo hướng cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời
nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch
thấp hơn.
Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy
hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì tiếp
tục thực hiện các chỉ tiêu chưa thực hiện hết đến khi quy hoạch sử dụng đất
thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Các quy hoạch cấp trên sẽ phải sớm hoàn thành để làm
căn cứ cho quy hoạch cấp dưới được phê duyệt, tránh chậm trễ như thời gian qua.
Đồng thời, để phù hợp với tình hình thực tế có vướng mắc trong thời gian đầu
thực hiện lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cùng với các quy hoạch khác
trong hệ thống quy hoạch theo nguyên tắc chung của Luật Quy hoạch, dự thảo Luật
quy định tại điều khoản thi hành về việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng
đất các cấp được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết số
61/2022/QH15 cho đến khi hết hiệu lực thi hành Nghị quyết.
Về chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung
quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện (Điều 65 và Điều 66), Dự thảo Luật
chỉnh lý quy định rõ nội hàm của thuật ngữ chỉ tiêu sử dụng đất và không quy
định các chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể cần xác định tại quy hoạch sử dụng đất
(QHSDĐ) cấp tỉnh và cấp huyện mà giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời,
chỉnh sửa quy định về khoanh vùng khu vực sử dụng đất trong nội dung quy hoạch
để bảo đảm tính khả thi trong việc lập QHSDĐ cấp tỉnh và cấp huyện...
Buổi
chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội
nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các
tổ chức tín dụng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số
nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng
(sửa đổi).